Tóm lược: Bài viết chia sẻ với Anh/Chị 07 bước trong cách xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp, quy trình được tổng hợp đầy đủ nhằm giúp nhà doanh nghiệp tạo dựng được một thương hiệu chất lượng.
Cách xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chất lượng
Bộ nhận diện thương hiệu còn được gọi là bộ nhận diện bản sắc của doanh nghiệp hay bộ nhận diện về mặt hình ảnh thì trong đó sẽ bao gồm tất cả các thành phần hình ảnh và ngôn từ trong thiết kế đồ họa của một doanh nghiệp.
Một bộ nhận diện thương hiệu được xem là chất lượng thì phải thể hiện được sự nhất quán trong bộ thương hiệu, có được một hình ảnh đại diện đáng nhớ trước công chúng. Vậy làm cách nào để xây dựng được một bộ nhận diện thương hiệu đáng nhớ và chuyên nghiệp với khách hàng ? Mời anh/chị cùng tham khảo các bước dưới đây:
Bước 1: Định vị thương hiệu
Sự thật là không ai bắt đầu kinh doanh mà không vì mục đích gì. Quan trọng, hãy khéo léo biến chúng thành lý do và động lực để phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp và thương hiệu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, khi định vị được đúng xuất phát điểm của mình, doanh nghiệp hoàn toàn có thể biến chúng thành mục tiêu và động lực phát triển thương hiệu.
Thương hiệu truyền tải các dấu ấn về doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp đến với thế giới bên ngoài (người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, và phần còn lại…). Khi cân nhắc được xuất phát điểm và vị thế, doanh nghiệp và thương hiệu hoàn toàn có thể sử dụng chúng để kiến tạo nên sự đặc sắc trong nhận diện thương hiệu của mình. Đó chính là bước đầu tiên trong việc xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu – định vị thương hiệu.
Để làm được điều này, ta cần trả lời một số câu hỏi như sau: Thương hiệu của tôi kinh doanh những sản phẩm nhằm đến phân khúc khách hàng như thế nào? Tôi muốn thương hiệu mình mang phong cách nào? (sang trọng, tinh tế, bình dân, chu đáo…), Bản sắc cốt lõi của thương hiệu tôi mong muốn truyền tải là gì?
Hoặc thậm chí, để tốt hơn, doanh nghiệp nên tiến hành các cuộc khảo sát rộng rãi để xem “Khách hàng cảm nhận như thế nào về doanh nghiệp“, “Các nhân viên/nhà sáng lập nghĩ gì về doanh nghiệp”, “Ấn tượng nào nên hoặc đang xuất hiện trong các tài liệu của doanh nghiệp”? Việc đứng dưới góc nhìn của những người đã trực tiếp trải nghiệm hoặc cảm nhận doanh nghiệp sẽ làm cho việc xây dựng nhận diện thương hiệu mang lại những hiệu quả đúng như bản chất của nó.
Sau khi đã trả lời xong các câu hỏi nghĩa là Anh/Chị đã định vị được con đường cho mình, hãy làm cho thương hiệu của Anh/Chị đặc sắc hơn bằng những câu chuyện thương hiệu… và sau đó hãy đi đến bước số 2 là đặt tên thương hiệu.
Xem thêm: 7+ cách đặt tên thương hiệu và 5 nguyên tắc vàng
Bước 2: Đặt tên thương hiệu
Đặt tên thương hiệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến toàn bộ mô hình kinh doanh sau này, chính vì thế cần cân nhắc kỹ lưỡng đặt tên thật phù hợp. Xem thêm bài viết: Cách đặt tên thương hiệu
Hiện nay, cách xây dựng bộ nhận diện thương hiệu được đa số các doanh nghiệp đặt tên với các định hướng phát triển nhất định. Đây là một xu hướng đặt tên phù hợp với bối cảnh xã hội hội nhập ngày nay. Chẳng hạn, nếu bạn muốn thương hiệu của mình trở nên phát triển và hội nhập, nên cân nhắc một cái tên bằng ngôn ngữ chung (Tiếng Anh) ấn tượng.
Nếu thương hiệu của bạn hướng đến phát triển bản sắc dân tộc, nên tham khảo và đặt một cái tên thuần Việt. Trường hợp này, chúng tôi xin có một mẹo nhỏ khi đặt tên thương hiệu: Đó là việc đặt tên nên chất chứa hồn người, hồn nghề, hồn đất, hồn nước để tạo cho mình một cái tên đậm đà bản sắc giúp khách hàng dễ dàng nhận ra và hồi tưởng.
Ngoài ra, việc đặt tên theo xu hướng chung của ngành nghề cũng là một lựa chọn không tồi, bởi khi nghe đến hoặc nhìn vào nó, khách hàng hoàn toàn có thể định hình được doanh nghiệp của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực gì, từ đó lưu lại và tìm đến khi có nhu cầu. Chẳng hạn như ThaiBev – vốn là viết tắt của Thai Beverage là thương hiệu đồ uống, hoặc thương hiệu Booking.com – phát triển trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, cung cấp dịch vụ đặt chỗ khách sạn, chỗ nghỉ, căn hộ.
Bước 3: Chọn màu sắc chủ đạo
Màu sắc chủ đạo là điểm thu hút người tiêu dùng, trong 7 gam màu cơ bản là: đỏ, vàng, cam, lục, lam, chàm, tím có hàng triệu màu sắc khác nhau, vì thế hãy lựa chọn cho thương hiệu của mình màu sắc bắt mắt và tạo ra sự khác biệt. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chọn ra một màu khác biệt hoàn toàn, và thậm chí là dẫn đầu trend màu sắc để dễ dàng gây ấn tượng với khách hàng, hoặc thậm chí là phối các màu lại với nhau để gia tăng sự ấn tượng.
Các thương hiệu nổi tiếng thường chọn ra các màu sắc nổi bật làm màu chủ đạo, pha với một số tông màu nhẹ hơn để nổi bật màu chủ đạo lên. Có thể kể đến như KFC với combo màu đỏ – đen – trắng đã trở nên ấn tượng với người tiêu dùng Việt khi nhắc đến “đâu là những hãng fastfood nổi tiếng nhất”.
Thông thường thì tùy ngành nghề sẽ có các tone màu chủ đạo khác nhau, ví dụ như các ngành du lịch hay sử dụng màu xanh dương, các ngành thực phẩm hay sử dụng màu đỏ, các ngành nông nghiệp hay sử dụng màu xanh lá,…
Bước 4: Thiết kế logo, slogan
Bước thiết kế logo cũng không kém phần quan trọng bởi Logo cũng là thứ mà khách hàng sẽ thấy đầu tiên, nếu tạo được ấn tượng tốt sẽ giúp khách hàng có niềm tin hơn về thương hiệu của Anh/Chị.
Khi thiết kế logo và slogan cần lưu ý: (1) biểu tượng logo phải mang ý nghĩa thể hiện được giá trị mà công ty đem lại cho khách hàng, (2) Font chữ của logo và slogan phải đảm bảo nổi bậc giúp khách hàng dễ đọc, không được để màu sắc lấn lướt khó đọc.
Không thiếu các trường hợp vì doanh nghiệp chọn các mẫu thiết kế logo quá khó hiểu hoặc rối rắm đã để lại trong lòng người tiêu dùng một cái nhìn tiêu cực về thương hiệu. Xét cho cùng, logo là một thiết kế để được sử dụng, chứ không chỉ là thiết kế sáng tạo. Do đó thiết kế logo cần phải đáp ứng cả hai tiêu chí về tính thẩm mỹ và tính ứng dụng.
Ngoài ra, lựa chọn slogan cũng nên ngắn gọn, dễ hiểu, gây ấn tượng và đi vào lòng người. Các copywriter sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phần nào trong việc thiết kế và lựa chọn slogan phù hợp. Mỗi slogan cần truyền tải thông điệp của doanh nghiệp đến khách hàng, do đó doanh nghiệp cũng nên cân nhắc và lựa chọn các slogan tương thích.
Đặc biệt, nội dung slogan nên tránh việc quá “sến súa” hoặc giật gân, kích động. Ngoài ra slogan không nên chứa các nội dung gây hiểu nhầm không đáng có (không phù hợp với văn hóa địa phương. Có thể kể đến trường hợp của Pepsi, khi câu slogan của họ là “come alive with Pepsi” (Hãy sống động cùng Pepsi) bị hiểu nhầm thành “Come alive out of the grave with Pepsi” (Sống lại từ nhà mồ với Pepsi). Một pha xử lý cồng kềnh đến từ vị trí dịch thuật lẫn nghiên cứu văn hóa của Pepsi.
Bước 5: Thiết kế ấn phẩm thương hiệu
Sau khi đã có màu sắc chủ đạo và logo thì tiếp theo Anh/Chị hãy dùng thiết kế các ấn phẩm thương hiệu khác như: Đồng phục, phong bì – thư, catalogue, danh thiếp, bảng tên nhân viên… và các phương tiện vận tải của công ty (nếu có). Đây chính là bước vô cùng quan trọng, bộ nhận diện thương hiệu cần đồng bộ và đồng nhất, và phải được phổ biến bằng càng nhiều cách càng tốt. Sử dụng các kênh marketing để gia tăng độ phủ là một ý tưởng không tồi.
Lưu ý các thiết kế logo, màu sắc, hình ảnh, tên thương hiệu trên các ấn phẩm thương hiệu phải tuyệt đối đồng bộ, tránh sự sai lệch bởi dù chỉ là một chút sai số nhỏ cũng có thể gây ra nhầm lẫn cho khách hàng.
Bước 6: Thiết lập phản ứng đối với thương hiệu
Sau khi đã thiết kế xong các ấn phẩm thương hiệu thì Anh/Chị hãy thiết lập xem phản ứng của người tiêu dùng với thương hiệu này như thế nào. Họ có cảm nghĩ gì khi nhìn thấy logo, màu sắc,… đã đúng ý của doanh nghiệp muốn truyền đạt hay chưa? Các khảo sát sẽ rất hữu ích trong trường hợp này. Bởi xét cho cùng, mục đích của nhận diện thương hiệu là ghi lại ấn tượng trong lòng khách hàng và mọi người nói chung, do đó nếu không xét đến phản ứng của khách hàng sẽ là một thiếu sót vô cùng lớn
Việc thiết lập phản ứng của người tiêu dùng đến thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp nhận ra và điều chỉnh kịp thời để đạt được mục đích truyền tải thương hiệu. Đối với các thương hiệu lớn, khi có sự thay đổi trong nhận diện thương hiệu, họ sẽ tìm cách gia tăng độ phủ trên các kênh truyền thông và tích cực ghi lại phản ứng của khách hàng và công chúng.
Các phản ứng từ công chúng, bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực, đều rất đáng được ghi nhận. Bởi bên ngoài thế giới hơn 8 tỷ người, sẽ có những người mà sau này sẽ trở thành khách hàng của doanh nghiệp. Việc tiếp thu các ý kiến là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không nên quá bi quan hoặc vội vã thay đổi nếu sự xuất hiện của nhận diện thương hiệu đón nhận những phản ứng trái chiều từ công chúng. Với một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đủ lớn, những phản ứng trái chiều hoàn toàn có thể “tạo trend” và xoay chuyển tình thế – tất nhiên là nếu các sai sót này không quá nghiêm trọng.
Bước 7: Xây dựng mối quan hệ thương hiệu
Bước cuối cùng chính là xây dựng mối quan hệ giữa thương hiệu với khách hàng nhằm gắn kết khách hàng lâu dài đối với thương hiệu của doanh nghiệp.
Nhận diện thương hiệu không chỉ đến từ vẻ bề ngoài của logo, thiết kế…mà còn được xây dựng bởi các yếu tố nội tại của doanh nghiệp (như bản sắc, cá tính, sứ mệnh của doanh nghiệp). Do đó, doanh nghiệp cần tập trung, và tập trung rất nhiều nguồn lực để xây dựng các yếu tố này, bởi chúng sẽ tạo nên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và giúp cho thương hiệu tồn tại bền vững trong lòng người tiêu dùng cho dù thiết kế nhận diện thương hiệu có thay đổi bao nhiêu lần đi chăng nữa.
Mối quan hệ thương hiệu chính là lòng trung thành, sự gắn bó, sự cam kết mà cả hai bên đem lại được cho nhau, việc xây dựng được một mối quan hệ tốt sẽ tạo ra được một cộng đồng vững mạnh.
Xem thêm: Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những gì? 3 yếu tố cần có
Tại sao phải xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chất lượng
Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả sẽ thu được một số lợi ích như sau:
- Đảm bảo sự xuất hiện ưu tiên khi khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm.
- Đem đến các thuộc tính sản phẩm vào trong tâm trí khách hàng.
- Thể hiện giá trị về sản phẩm của doanh nghiệp.
- Tạo sự hài lòng (về vật chất và tinh thần) cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ.
- Xây dựng được một mối liên hệ tốt về lòng trung thành giữa khách hàng và doanh nghiệp.
- Tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
Xem thêm về “lợi ích của hệ thống nhận diện thương hiệu” tại: Hệ thống nhận diện thương hiệu là gì? 05 đặc điểm cần lưu ý
Trên đây là những chia sẻ Bá tin và Bá mong sẽ giúp ích được cho các Anh/Chị về 7 bước trong cách xây dựng bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả, một lần nữa chúc Anh/Chị đọc giả ngày càng bán được nhiều đơn hàng và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong công việc kinh doanh.
Thân ái ./.
Tài liệu tham khảo:
Robin Landa (2.9.2005). Designing Brand Experiences. (Tái bản lần 7). Thomson Delmar Learning