Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những gì? 3 yếu tố cần có

Mở đầu: Bài viết chia sẻ với Anh/Chị nhằm trả lời câu hòi bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những gì? , thông qua đó giới thiệu với Anh/Chị về 3 yếu tố cần có của một bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng.

1. Bộ nhận diện thương hiệu là gì ? Và bao gồm những gì?

“Bộ nhận diện thương hiệu là tập hợp những thứ có thể nhìn thấy nhằm mục đích gợi sự liên tưởng về thương hiệu”

Bộ nhận diện thương hiệu (brand identity) là sự kết hợp của tất cả các thành phần hình ảnh và ngôn từ trong thiết kế đồ họa của một công ty, bao gồm tất cả những ứng dụng thiết kế thích hợp như logo, danh thiếp, bao bì, đồng thời bao gồm cả các câu slogan,… Bộ nhận diện thương hiệu có mục đích tạo dựng cũng như duy trì hình ảnh và tên tuổi dễ nhận biết của một doanh nghiệp. Vì thế, bộ nhận diện thương hiệu sẽ bao gồm các thành phần dưới đây:

1.1. Tên thương hiệu

Tên thương hiệu là một là tên gọi ngắn gọn mà khách hàng sẽ gọi với đặc điểm nhận dạng công ty, tổ chức, phân biệt công ty tổ chức này với một đơn vị khác.

Tên thương hiệu không dài như tên đầy đủ của công ty đăng ký trong hồ sơ kinh doanh. Tên thương hiệu thường ngắn gọn, phổ biến nhất là từ 2 đến 3 từ, tuy  nhiên có một số đơn vị có thể dùng 1 từ hoặc nhiều hơn 3 từ để làm tên thương hiệu.

Xem thêm: 7+ cách đặt tên thương hiệu và 5 nguyên tắc vàng

1.2. Khẩu hiệu

Khẩu hiệu hay còn gọi là Slogan là một câu kèm phía dưới tên thương hiệu nhằm mục đích miêu tả một sứ mệnh, một phong cách, một cam kết… của doanh nghiệp khi kinh doanh. Các slogan thường được xuất hiện trong phần giới thiệu – trên trang web công ty, hoặc trong nội dung mở đầu của các văn bản nói về công ty, hoặc thậm chí, là trong các quảng cáo nhằm quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu. Đôi lúc, trong một số sự kiện tập thể quan trọng, slogan cũng được trình chiếu hoặc đồng thanh bởi đội ngũ nhân viên, qua đó lan tỏa không khí náo nhiệt.

Slogan thường mang ý nghĩa cổ động, thúc đẩy, củng cố lòng tự hào hoặc truyền tải những thông điệp của doanh nghiệp đến khách hàng. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên căn cứ vào hoạt động, mục đích, sứ mệnh…mà mình mang lại, và thổi hồn vào thương hiệu, để biến thành một câu slogan ý nghĩa. Đặc biệt, slogan cần cô đọng và tạo sự thú vị ngay từ lần đầu đọc. Tránh lựa chọn các slogan dài dòng, hoặc sử dụng từ vô nghĩa, hoặc slogan không có độ ấn tượng.

1.3. Logo

Logo là yếu tố quan trọng nhất của một bộ nhận diện thương hiệu. Nó đóng vai trò là trung tâm của bộ nhận diện thương hiệu, là trung tâm của nhãn hiệu và thậm chí, là ấn tượng đầu tiên xuất hiện trong đầu khi bất cứ ai nhớ đến thương hiệu. Là một trong những tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, thậm chí nhận được sự bảo hộ bởi pháp luật sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, logo không chỉ thể hiện những đặc trưng của doanh nghiệp mà còn là một chỉ định quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với thiết kế chứa đựng thông điệp này.

Logo, cùng với tên thương hiệu, phải được đầu tư và quảng bá đúng cách để gia tăng sức ảnh hưởng của thương hiệu nói chung và bộ nhận diện thương hiệu nói riêng. Logo phải là thứ đầu tiên mà khách hàng của doanh nghiệp nhìn thấy, và là thứ cuối cùng mà họ ghi dấu ấn trong lòng về doanh nghiệp.

Một logo được thiết kế tốt và được sử dụng nhất quán có thể hợp nhất các doanh nghiệp (công ty con), các văn phòng, như một hình ảnh về thương hiệu gia đình.

Bằng cách cung cấp một sự biểu tượng thống nhất ở trên các phương tiện nhận diện trực quan (bảng quảng cáo, pano, tiêu đề thư, hợp đồng, thông cáo, watermark, hoặc trên các ấn phẩm của bộ nhận diện thương hiệu như danh thiếp, phong bì, séc, ấn phẩm Marketing, quảng cáo, trang web…), logo thể hiện chất lượng hoạt động kinh doanh, sự chuyên nghiệp và chắc chắn.

Logo là biểu tượng có hình tròn hoặc vuông có chứa tên đầy đủ hoặc bản viết tắt của thương hiệu và slogan + với một biểu tượng miêu tả thương hiệu của doanh nghiệp.

Logo thường có màu nổi bật, tạo điểm nhấn nhằm giúp người dùng dễ nhận ra và hồi tưởng.

1.4. Màu sắc

Màu sắc chính là màu chủ đạo của thương hiệu, màu sắc sẽ xuất hiện khắp trong công ty, tổ chức một cách đồng bộ. Màu sắc là yếu tố cấu thành bộ nhận diện thương hiệu, nó sẽ gây ấn tượng và tạo điểm nhấn cho người dùng. Trên các ấn phẩm nhận diện thương hiệu, màu sắc và thiết kế là hai yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất. Do đó việc lựa chọn màu sắc cũng nên được tiến hành cẩn thận, thay vì ngẫu hứng lựa chọn các màu không phù hợp.

Việc lựa chọn màu sắc cũng nên được thực hiện sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là ngành nghề và bản sắc doanh nghiệp. Đa số các thương hiệu lĩnh vực nông nghiệp thường chọn màu xanh lá, về nước uống là màu xanh…

Màu sắc cần thống nhất và đồng bộ trên tất cả các ấn phẩm.

1.5. Danh thiếp

Danh thiếp (hay còn gọi quen thuộc là card visit) là phương tiện dùng để trao đổi và lưu giữ thông tin liên lạc giữa một cá nhân hoặc tổ chức với cá nhân hoặc tổ chức khác. Ở một số quốc gia, những người có địa vị cao, chức vụ cao thường tự chuẩn bị danh thiếp riêng cho mình và trao cho đối tác như một thủ tục chào hỏi không thể thiếu. Ở doanh nghiệp, các danh thiếp thường được đặt ở những nơi dễ thấy, đông người (như quầy tiếp tân, bàn làm việc, phòng họp với đối tác…) để tiện cho khách hàng hoặc đối tác thấy và lưu lại nếu có nhu cầu liên lạc về sau.

Chính vì những lẽ đó mà danh thiếp cũng được xem như là một ấn phẩm trong bộ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp. Trên danh thiếp không chỉ lưu giữ các thông tin liên lạc cần thiết của doanh nghiệp như: tên doanh nghiệp, thương hiệu, trụ sở, người đại diện, số điện thoại, số fax, email…mà còn bao gồm trên đó các thiết kế, màu sắc tượng trưng cho doanh nghiệp, in logo, slogan của doanh nghiệp như một sự giới thiệu hoàn chỉnh, chuẩn mực chung.

Danh thiếp của công ty là một ấn phẩm thuộc bộ nhận diện thương hiệu, do đó cũng cần đảm bảo tính đồng bộ, chính vì vậy danh thiếp cần chứa màu sắc, logo và slogan giống với các ấn phẩm khác. Ngoài ra, danh thiếp cũng có thể chứa các thiết kế cách điệu, ấn tượng, và đảm bảo sự nhỏ gọn, tiện lợi để dễ mang đi và tham khảo khi cần.

1.6. Đồng phục

Hiện nay, có thể bắt gặp không nhiều doanh nghiệp chọn thiết kế đồng phục cho nhân viên. Tuy nhiên, khi đồng phục được thiết kế với màu sắc, in logo, hình ảnh và slogan của doanh nghiệp thì lúc này, đồng phục trở thành một sản phẩm thuộc bộ nhận diện thương hiệu, là phương tiện quảng bá hình ảnh của thương hiệu doanh nghiệp.

Đồng phục là một trong những ấn phẩm quan trọng bởi nó hiện hữu và tiếp xúc với cộng đồng nhiều hơn. Hãy lựa chọn màu sắc và kiểu dáng thật ấn tượng để thu hút người dùng. Tuy nhiên, vì là trang phục mặc khi làm việc, thiết kế đồng phục và hình ảnh nhận diện thương hiệu cũng nên có sự phù hợp với mục đích. Tránh các thiết kế màu mè, phá cách, gây khó khăn, cản trở trong khi làm việc. Tùy theo tính chất công việc mà nên lựa chọn thiết kế và chất liệu đồng phục phù hợp. VD: đồng phục tiếp viên hàng không cần có sự chuẩn mực, trang nhã, đồng phục nhân viên bán hàng nên đề cao thiết kế gọn gàng, năng động, thoải mái.

Cũng giống như danh thiếp, màu sắc chủ đạo của đồng phục cần đồng bộ với các ấn phẩm khác để phục vụ cho việc “nhận diện”, tránh các hiểu nhầm không đáng có.

1.7. Phong bì và thư

Phong bì và thư cũng là một sản phẩm thuộc bộ nhận diện thương hiệu. Đây là công cụ trao gửi, tống đạt thông tin hoặc thậm chí, chứa đựng các tài liệu, văn bản quan trọng hoặc tiền. Do đó, phong bì và thiết kế thư cũng cần thể hiện rõ màu sắc chủ đạo, logo, slogan…và phải đáp ứng tính đồng bộ.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều có xu hướng chuẩn bị các thiết kế phong bì và thư mang nhận diện thương hiệu, điều đó làm tăng tính sang trọng của phong bì và văn bản thư, đồng thời tạo ấn tượng về sự chuyên nghiệp cho doanh nghiệp và thương hiệu.

1.8. Hàng hóa

Sản phẩm hàng hóa ngoài chức năng là sản phẩm bán cho người tiêu dùng thì cũng là một sản phẩm trong bộ nhận diện thương hiệu. Hàng hóa cũng cần có màu chủ đạo, thể hiện rõ và phát huy khả năng nhận diện thương hiệu.

Hàng hóa là sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng, thế nên cần có thiết kế khác biệt và tạo điểm nhấn trong mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, thiết kế này phải phù hợp với công năng sử dụng và tính chất của loại hàng hóa. Nhãn hiệu và kiểu dáng cần phục vụ cho mục đích sử dụng công nghiệp, ứng dụng rộng rãi và thuận tiện khi sử dụng.

1.9. Một số ấn phẩm khác

Một số ấn phẩm khác thuộc bộ nhận diện thương hiệu như: Thẻ nhân viên, phương tiện vận tải của công ty (xe hàng, xe nhân viên, xe trung chuyển,…), quà tặng đối tác, sản phẩm tài trợ…

Tùy vào quy mô và các hoạt động của công ty mà sẽ có nhiều ấn phẩm thương hiệu khác nhau, dù ít hay nhiều ấn phẩm thương hiệu thì cũng cần đảm bảo tính đồng bộ về màu sắc, logo, slogan thành một thể thống nhất nhằm đưa thương hiệu tiếp cận toàn diện đến người dùng.

Xem thêm: 7 bước xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chất lượng

2. 03 yếu tố cần có của một bộ nhận diện ấn tượng

Nhờ có sự đầu tư được bộ nhận diện thương hiệu đáng nhớ, nhất quán, nổi bật các công ty như: Coca-Cola, Sony, Honda, FedEX,… đã rất thành công trong việc duy trì lòng trung thành cũng như nhận thức tích cực về doanh nghiệp nơi người tiêu dùng. Và lấy ví dụ từ những thương hiệu trên thì một bộ nhận diện thương hiệu phải được sự nổi bật và độc đáo để có thể khiến cho khách hàng để mắt đến.

Vậy để đáp ứng được các tính chất: đáng nhớ, nhất quán, nổi bật, độc đáo thì các các yếu cần có của một bộ nhận diện thương hiệu là gì ? Anh/chị cùng Bá cùng tìm hiểu 03 yếu tố cần có của một bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng dưới đây:

2.1. Tên độc đáo

Yếu tố đầu tiên của một bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng là tên thương hiệu phải độc đáo và bằng cách nào đó khi khách hàng nhìn thấy hoặc nghe thấy đều có sự nhận ra, liên tưởng hồi tưởng, khắc sâu trong tâm trí của họ.

Có nhiều cách đặt tên thương hiệu, tuy nhiên cần định vị được ngành nghề mà doanh nghiệp kinh doanh cũng như khả năng đặc biệt về chất lượng sản phẩm so với đối thủ từ trên chính tên thương hiệu của mình.

2.2. Màu sắc thu hút

Màu sắc chính là yếu tố gây ấn tượng với khách hàng, trong 7 gam màu là đỏ, vàng, cam, lục, lam, chàm, tím còn phối được hàng triệu màu sắc khác nhau. Chính vì vậy hãy chọn màu sắc sao trông thật khác biệt và sang trọng thu hút khách hàng.

Màu sắc cần thể hiện được lĩnh vực hoạt động để có thể dễ dàng phối hợp với tên thương hiệu. Mỗi màu sắc đều có câu chuyện riêng của nó, ví dụ: lĩnh vực thực phẩm, ăn uống hay sử dụng màu tone màu đỏ, lĩnh vực du lịch hay sử dụng tone màu xanh lá…

2.3. Cách xuất hiện tinh tế

Cách xuất hiện của bộ nhận diện thương hiệu sẽ tạo ra điểm nhấn trong lòng công chúng, hãy tạo ra một phong cách xuất hiện thật tinh tế, sang trọng mang bản sắc riêng đó sẽ là điểm khác biệt tạo cho khách hàng sự nhận ra và hồi tưởng thương hiệu.

Thật may mắn là với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng Digital đang giúp các tổ chức doanh nghiệp có thêm nhiều kênh có thể đưa thương hiệu xuất hiện theo nhiều cách khác nhau trong tâm trí người tiêu dùng.

Hãy tận dụng tối đa sự trợ giúp của mạng xã hội để trở thương hiệu dẫn đầu, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Xem thêm: Thương hiệu và nhãn hiệu khác nhau như thế nào? cách phân biệt

Trên đây là những chia sẻ Bá tin và Bá mong sẽ giúp ích được cho các Anh/Chị trả lời câu hỏi bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những gì? cũng như các yếu tố để có một bộ nhận diện thương hiệu thu hút, một lần nữa chúc Anh/Chị đọc giả ngày càng bán được nhiều đơn hàng và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong công việc kinh doanh.

Thân ái ./.

Nguồn tham khảo:

Linda Knapp (2010), The Importance of Corporate Identity, EHC.

https://99designs.com/blog/tips/brand-identity/

Robin Landa (2.9.2005). Designing Brand Experiences. (7th edition). Thomson Delmar Learning