Tóm lược: Bài viết chia sẻ về thương hiệu ngách là gì? (Là một cách gọi của thương hiệu nhắm vào thị trường ngách) và cách nhận biết các yếu tố của một thị trường ngách. Mời các Anh/Chị xem tiếp bài viết.
Nội dung bài viết
1. Thương hiệu ngách là gì?
Để tìm hiểu về thương hiệu ngách, ta hãy cùng xem xét khái niệm về thị trường ngách là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về “thị trường ngách”, tuy nhiên hầu hết các định nghĩa này đều tập trung vào các yếu tố cho rằng đây là một “phân khúc thị trường nhỏ, được điều chỉnh cho phù hợp với các đặc điểm cụ thể của một người, một nhóm người hoặc sự vật” (Theo Lissa Paul, 2009)
“Thị trường ngách (Niche market) là một phân khúc thị trường nhỏ, tập trung vào các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng một nhu cầu đặc biệt nào đó hoặc thị trường ngách có thể hiểu là một khoảng trống nhỏ của thị trường lớn mà các các nhà kinh doanh bỏ qua”.
So với thị trường đại chúng, nơi có phân khúc thống trị được đo đếm bởi sản lượng hoặc lợi nhuận đến từ nguồn sản phẩm có đặc trưng chung, thì các thị trường ngách tập trung vào các phân khúc nhỏ. Các phân khúc nhỏ này có thể được xác định bởi: đối tượng, loại sản phẩm, loại hình kinh doanh… Chẳng hạn như, trong thị trường bánh kẹo, phân khúc thống trị sẽ là chocolate trơn. Hơn 90% doanh số trong phân khúc này được thực hiện bởi ba nhà sản xuất thống trị – Cadbury’s, Nestle và Mars. Tuy nhiên, có nhiều phân khúc ngách nhỏ, chuyên biệt (ví dụ: chocolate cao cấp, chocolate hữu cơ hoặc chocolate thương mại công bằng).
Khai thác thị trường ngách là tập trung vào một thị trường cụ thể nhằm tránh sự cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu lớn hoặc kinh doanh những sản phẩm mà các nhà kinh doanh trên thị trường lớn không đáp ứng được.
Như vậy, thương hiệu ngách (niche brand) là một cách gọi của thương hiệu kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ nhắm vào thị trường ngách.
Xem thêm: Thương hiệu cá nhân là gì? cách xây dựng như thế nào?
2. Ưu điểm và nhược điểm khi tham gia thị trường ngách
Ở mỗi thị trường đều sẽ có những khó khăn và thuận lợi khác nhau. Nếu ở phần trên chúng ta đã tìm hiểu được về thị trường ngách, và khái niệm thị trường ngách. Thì ở phần này, anh/chị cần biết được yếu tố về ưu điểm và nhược điểm khi tham gia thị trường ngách.
Mỗi thứ đều có hai mặt và tham gia vào thị trường ngách cũng vậy. Chúng ta cần biết được những ưu điểm và nhược điểm khi tham gia vào thị trường ngách để có hướng khắc phục, thay đổi giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế hơn ở thị trường. Vì thế, khi doanh nghiệp tham gia vào thị trường ngách thì cần lưu ý những ưu và nhược điểm sau:
2.1. Ưu điểm
Khai thác thị trường ngách là một trong những cơ hội cũng như là những mảnh đất màu mỡ cho các dự án start-up sinh sôi và phát triển. Khi ở thị trường đại chúng, các phân khúc thống trị đều do các “ông lớn” nắm quyền, thì với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khai thác thị trường ngách là cách tốt nhất để họ đào sâu lợi nhuận cũng như duy trì một hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực, đa dạng về sản phẩm và qua đó, hạn chế cạnh tranh với các doanh nghiệp có tiềm lực lớn gấp trăm lần.
Do đó, ưu điểm của thị trường ngách có thể kể đến là tối ưu lợi nhuận do kinh doanh các sản phẩm/dịch vụ có tính năng đặc biệt phù hợp với người tiêu dùng cần nó. Việc đào sâu vào insights người tiêu dùng sẽ đem đến kết quả khả quan hơn rất nhiều, bởi người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các doanh nghiệp và sản phẩm cung cấp “sự thấu hiểu”, càng hiểu về khách hàng và cho ra đời các sản phẩm hợp ý, doanh nghiệp sẽ thu được một khoản lớn lợi nhuận bởi khách hàng sẽ sẵn sàng chi một khoản tiền, cho dù là giá cao đi chăng nữa, để đổi lấy sự thỏa mãn và tiện lợi.
Ngoài ra, đối với những thị trường ngách là những khoảng trống mà các thương hiệu lớn kinh doanh bỏ qua. Doanh nghiệp start-up nên chọn cách làm “ông vua ao làng” thay vì “ra biển đối đầu với cá mập”. Sự thật, các doanh nghiệp lớn thường có xu hướng tìm hiểu và bành trướng lĩnh vực kinh doanh của mình, cả về bề rộng lẫn bề sâu.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp start-up nhanh chóng tận dụng và “đi trước”, thì các lợi ích đem lại sẽ vô cùng lớn. Khách hàng sẽ ghi nhớ các doanh nghiệp tiên phong, đặc biệt nếu doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động marketing, ảnh hưởng của họ trong tâm trí khách hàng sẽ vững vàng và do đó, tránh khỏi những cuộc cạnh tranh khốc liệt, hạn chế tối đa việc đối đầu trực tiếp với các doanh nghiệp lớn. Từ đó mà tiết kiệm được các hao tổn chi phí do cạnh tranh gây ra.
2.2. Nhược điểm
Nhược điểm của thị trường ngách có thể kể đến là dung lượng thị trường nhỏ, sẽ không đảm bảo đủ số lượng đơn hàng duy trì hoạt động doanh nghiệp (nếu quy mô doanh nghiệp lớn) trong thời gian dài nên chỉ thích hợp đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ yếu hoặc dành cho những doanh nghiệp kinh doanh ngắn hạn. Mặc dù vậy, tin mừng là không phải mọi thị trường ngách đều có tính tạm thời như vậy. Sự tạm thời dường như tập trung vào một số ngành như PC (chăm sóc cá nhân), ngành dược phẩm hoặc F&B.., Một số thị trường trong các ngành hàng như FMCG, công nghệ…sẽ có sự tập trung lâu dài và thậm chí, cơ hội để mở rộng vào các thị trường ngách nhỏ hơn lại càng cao.
Ngoài ra, nếu các ông lớn bắt đầu nhảy vào thị trường ngách thì sẽ tạo ra cuộc chiến không cân sức và doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất nhanh chóng rút lui. Để chống lại được điều này, doanh nghiệp start-up nên duy trì một số điểm đặc biệt trong sản phẩm của mình và tạo sự ấn tượng với khách hàng, để qua đó chống lại sự ảnh hưởng từ các doanh nghiệp lớn. Một ví dụ điển hình là Archcafé, với sản phẩm là cà phê cappuccino dừa đến nay vẫn tồn tại trong lòng người tiêu dùng ưa thích hương vị, cho dù ông lớn Nescafe có ra sản phẩm tương tự đi chăng nữa.
Bên cạnh đó, một rủi ro khác không thể bỏ qua đến từ việc “bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”. Việc quá đầu tư vào một sản phẩm, nếu thị trường xảy ra biến động lớn sẽ khiến doanh nghiệp khó có thể xoay sở kịp thời và do đó thiệt hại sẽ rất khó lường. Ngoài ra sự thiếu tính đa dạng trong sản phẩm kinh doanh cũng là một nguyên nhân hạn chế nguồn lợi cho doanh nghiệp, làm cản trở và hạn chế sức sáng tạo trong phát triển sản phẩm.
3. Cách nhận biết đặc điểm của thị trường ngách
Anh/chị cảm thấy thích thị trường ngách đó ? Anh/chị muốn đầu tư vào sản phẩm ngách đó ? Nhưng anh/chị không biết doanh nghiệp mình có phù hợp hay không? Và để “sống sót” được trong thị trường ngách đó thì anh/chị làm gì ?
Để phát triển được và thành công trong thị trường ngách, thì việc hiểu rõ về doanh nghiệp của mình, về sản phẩm, đối thủ… thật sự quan trọng, các Marketer có thể giúp cho doanh nghiệp nhận biết được thị trường ngách đó có phù hợp với doanh nghiệp của mình theo những yếu tố về tính năng, công dụng, sự khan hiếm của sản phẩm,… Thị trường ngách có rất nhiều những đặc điểm khác nhau. Vậy đó là những đặc điểm gì, chúng ta cùng tìm hiểu ngay sau đây.
3.1. Sản phẩm có tính năng rất đặc biệt
Khi thấy sản phẩm mang trong mình những tính năng rất đặc biệt có phần khác so với các sản phẩm đại trà thì đó là dấu hiệu của một sản phẩm đánh vào thị trường ngách. Các tính năng này dường như không tìm thấy, hoặc không được đa số người tiêu dùng để ý với các sản phẩm thông thường, tuy nhiên nếu có sản phẩm mới nào tập trung vào loại tính năng đặc biệt này thì có thể đến 90% đây là sản phẩm của một doanh nghiệp đang tấn công vào thị trường ngách.
Ví dụ: Máy ảnh sử dụng Film (dòng máy cũ chụp ảnh bằng film) bán trong thế kỷ 21, chăn ga gối đệm Hàn Quốc…
Xem thêm: Hệ thống nhận diện thương hiệu là gì? 05 đặc điểm cần lưu ý
3.2. Sản phẩm không tìm thấy đại trà
Sản phẩm với rất ít đơn vị cung cấp cũng chính là một dấu hiệu cho thấy đây là một thị trường ngách. “Rất ít đơn vị cung cấp” ở đây có thể do nhiều lý do khác nhau: là doanh nghiệp mới, với sản phẩm mới ra đời; hoặc số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc sản phẩm này không nhiều.
Ví dụ: cáp chuyển Lightning to USB-A (Sử dụng chuột cho iphone), ngàm chuyển đổi ống kinh cổ sử dụng cho máy ảnh hiện đại…
3.3. Sản phẩm chưa được đối thủ lớn quan tâm
Sản phẩm chuyên biệt đối thủ lớn không quan tâm cũng chính là dấu hiệu của một thị trường ngách. Đây là một dấu hiệu chủ quan, kỳ thực, các đối thủ lớn có thể bỏ qua, không quan tâm vì mức độ lợi nhuận không lớn, hoặc chỉ đơn thuần là “họ chưa khám phá ra tiềm năng của thị trường này”.
Ví dụ: Áo thun nam big size, đồ nam tự phối…
4. Các bước thâm nhập vào thị trường ngách
Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của nền kinh tế hiện nay thì các doanh nghiệp đang ráo riết chạy đua, cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường. Để mở rộng quy mô, tăng trưởng lợi nhuận là mục tiêu mà bất kì doanh nghiệp nào cũng muốn hướng đến. Và việc thâm nhập vào một thị trường mới là điều không hề dễ dàng và đặc biệt hơn là thị trường ngách.
Thì câu chuyện chưa sản phẩm ngách thâm nhập vào thị trường là một vấn đề vô cùng khó khăn và thách thức. Và tìm hiểu các bước để dễ dàng thâm nhập vào thị trường ngách là sự ưu tiên hàng đầu để những doanh nghiệp có thể tiếp cận đến khách hàng hiệu quả. Dưới đây Bá sẽ chia sẻ cho các bạn bước để thâm nhập vào thị trường ngách thành công.
Bước 1: Tìm kiếm sản phẩm bằng từ khóa
Đầu tiên là khâu tìm sản phẩm, đây là bước rất quan trọng, thật may mắn là với sự xuất hiện của nền tảng tìm kiếm đã cho chúng ta công cụ Google keyword Planner, Anh/Chị có thể sử dụng công cụ phân tích từ khóa đó để tìm kiếm sản phẩm ngách dựa vào sản phẩm đại trà.
Ví dụ: Anh chị chỉ gõ: “Áo thun nam” thì lập tức sẽ thu về được hàng ngàn ngàn từ khóa liên quan đến áo thun nam; và lúc này Anh/Chị hãy lựa chọn sản phẩm ngách mà mình có thể kinh doanh được.
Lưu ý là cần cân đong đo đếm kỹ về dung lượng của ngách, kẻo quá ít volume sẽ dẫn đến mô hình kinh doanh không khả thi.
Một cách tìm ngách mới đó chính là lựa chọn những dòng sản phẩm theo trend bằng cách lướt những trang thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee… những trang TMĐT này sẽ có cho chúng ta biết được những sản phẩm có tính năng đặc biệt sẽ có khả năng có lực cầu trong thời gian tới. Hiện nay, có rất nhiều trang thống kê về các mặt hàng bán chạy, các ngành hàng đang được quan tâm trên các trang thương mại điện tử lớn. Đây chính là nguồn thông tin cực kỳ quý giá và hữu ích nếu muốn thâm nhập vào một thị trường ngách nào.
Bước 2: Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Sau khi đã chọn cho mình sản phẩm cần kinh doanh và con đường nhập hàng thì hãy nghiên cứu đối thủ cạnh tranh các sản phẩm/dịch vụ đó. Có thể kiểm tra bằng công cụ từ khóa trên Google hoặc dựa trên quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Các đối thủ cạnh tranh, quy mô, thị phần…sẽ cho thấy tiềm năng phát triển cũng như khả năng “đối đầu” với các doanh nghiệp lớn, qua đó giúp doanh nghiệp muốn tấn công vào thị trường ngách xây dựng chiến lược kinh doanh và hạn chế cạnh tranh một cách thích hợp.
Chỉ tiếp tục kinh doanh theo ngách nếu như xác định vẫn còn ít đối thủ và dung lượng thị trường còn đủ cho chính mình, tránh chạy theo sản phẩm không còn khách hàng sẽ rất khó bán được.
Bước 3: Xác định vòng đời của sản phẩm
Việc cuối cùng là xác định vòng đời của sản phẩm, công việc này sẽ giúp Anh/Chị biết được chúng ta sẽ kinh doanh sản phẩm đó trong bao lâu thì ngưng? để rút lui hoặc để xác định chắc chắn rằng vòng đời sản phẩm vẫn còn thời gian cho chúng ta tham gia. Thông thường, thị trường sản phẩm theo mùa với vòng đời ngắn sẽ có các thương hiệu lớn thống trị lâu đời và ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng, hãy thật cân nhắc khi muốn đầu tư vào các sản phẩm này.
Thị trường ngách là một thị trường rất khó đòi hỏi phải có kỹ năng nghiên cứu và phân tích cụ thể rõ ràng vì thế cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần có để đạt được hiệu quả kinh doanh như mong muốn.
Xem thêm: 5 Bước xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả
Trên đây là những chia sẻ Bá tin và Bá mong sẽ giúp ích được cho các Anh/Chị trả lời câu hỏi thương hiệu ngách là gì? cũng như các yếu tố để nhận biết được một sản phẩm thuộc thị trường ngách, một lần nữa chúc Anh/Chị đọc giả ngày càng bán được nhiều đơn hàng và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong công việc kinh doanh.
Thân ái ./.
Nguồn tham khảo:
Lissa Paul (2009), Niche Marketing and the (Shallow) World of Crabtree, The Centre for Research in Young People’s Text and Culture, University of Winnipeg.