Ngành quản trị kinh doanh là một ngành học thuộc khối kinh tế đang dành được rất nhiều sự quan tâm từ các bạn học sinh chuẩn bị nộp hồ sơ vào các trường cao đẳng, đại học.
Vậy, ngành quản trị kinh doanh có dễ xin việc không ? ; qua bài viết này tôi xin chia sẻ góc nhìn nhằm hỗ trợ các bạn cùng nhau tìm hiểu.
Nội dung bài viết
Ngành Quản trị kinh doanh có dễ xin việc không?
Quản trị kinh doanh đang là một ngành học đang được nhiều học sinh quan tâm và lựa chọn trong kì thi tuyển sinh đại học. Và với sự phát triển của kinh tế, và nhu cầu nhân lực tăng cao thì cũng rất nhiều sinh viên lo lắng rằng học quản trị kinh doanh khó xin việc. Nếu anh/chị đã quyết định theo đuổi, học tập ngành Quản trị kinh doanh cũng như cơ hội việc làm của ngành học này, thì mời anh/chị cũng tham khảo những thông tin dưới đây nhé. Hy vọng nó sẽ giúp ích được cho anh/chị trong quá trình tìm hiểu và học hỏi ở ngành Quản trị kinh doanh.
1. Khái quát ngành Quản trị kinh doanh
Ngành quản trị kinh doanh (Business Administration) đào tạo cho các bạn sinh viên các môn học về kinh tế và chuyên ngành về quản trị nhằm giúp các Anh/Chị có đủ kiến thức và kinh nghiệm tham gia vào các vị trí (bộ phận) quản lý, quản trị của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy rằng, những sinh viên mới ra trường cần có thời gian đủ lâu để có thể trở thành vị trí nhà quản lý hoặc nhà quản trị của doanh nghiệp. Vì thế các bạn cần tham khảo thêm một số nội dung của ngành để có quyết định phù hợp.
2. Nội dung chương trình đào tạo
Quản trị kinh doanh là một ngành thuộc khối kinh tế, học quản trị kinh doanh Anh/Chị sẽ được đào tạo một số bộ môn như sau:
2.1. Môn cơ sở
Đây là các môn cơ sở thuộc ngành kinh tế, bao gồm: toán cao cấp, kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, quản trị học, marketing căn bản, nguyên lý kế toán, xác suất thống kê, nguyên lý thống kê kinh tế, phương pháp nghiên cứu khoa học…
2.2. Môn chuyên ngành
Đây là các môn chuyên ngành của quản trị kinh doanh như: quản trị marketing, quản trị chiến lược, quản trị tài chính, quản trị rủi ro, quản trị thương hiệu, quản trị bán hàng, quản trị nguồn nhân lực, nghệ thuật lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp, logistic…
2.3. Kỹ năng mềm
Tùy vào điều kiện cơ sở vật chất của một số trường đại học mà các bạn sinh viên sẽ được trang bị một số kỹ năng mềm như: kỹ năng nói trước công chúng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng sử dụng tin học văn phòng…
Đây là nội dung khái quát của chương trình quản trị kinh doanh tổng hợp, ngoài ra tùy vào trường đại học sẽ có phân chuyên ngành riêng có thể sẽ có các bộ môn chuyên về phân ngành nhiều hơn, các bạn sinh viên cần tìm hiểu kỹ về chuyên ngành của mình.
Xem thêm: Ngành quản trị kinh doanh cần học những môn gì? làm công việc gì?
3. Thời gian học
Thời gian học tiêu chuẩn của chương trình quản trị kinh doanh hệ đại học chính quy hiện nay ở các trường đại học Việt Nam là 04 năm tương đương với khoảng 150 tín chỉ.
Tuy nhiên, tùy vào khả năng học và kế hoạch đào tạo mà có nhiều trường có thể cho sinh viên học vượt chỉ mất từ 3-3.5 năm. Học vượt sẽ ra trường sớm nhưng đổi lại chương trình học khá nặng, các bạn sinh viên lưu ý về khả năng và thời gian khi quyết định tham gia.
4. Học phí
Quản trị kinh doanh là ngành học có rất nhiều trường tham gia đào tạo, vì thế học phí rất đa dạng. Thông qua khảo sát, tôi xin chia sẻ mức phí trung bình mà tôi ghi nhận được như sau (cập nhật năm 2021).
Đối với các trường đại học trong hệ thống công lập: học phí sẽ dao động trên dưới 10 triệu mỗi năm.
Đối với các trường đại học ngoài công lập: học phí có thể giao động từ trên 10 triệu cho đến 40 triệu mỗi năm tùy vào chương trình và những điều cam kết của mỗi trường.
Có thể thấy là hiện nay học phí chênh lệch giữa các trường đại học rất lớn, vì thế các bạn sinh viên cần tham khảo rất kỹ về các khoản chi phí để có quyết định vào học sao cho phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình.
5. Làm gì sau khi học xong?
Để trả lời câu hỏi học quản trị kinh doanh ra trường sẽ làm gì thì đầu tiên hãy cùng tôi điểm qua các vị trí cơ bản của một doanh nghiệp:
(1) Vị trí nhân viên bán hàng: nhân viên bán hàng sẽ trực tiếp thực hiện bán các sản phẩm cho người tiêu dùng, thực hiện hóa doanh thu cho doanh nghiệp, đây là vị trí cơ bản mà sinh viên mới ra trường hay vào làm và cũng là vị trí có rất nhiều chỉ tiêu tuyển dụng.
(2) Vị trí nhân viên văn phòng: nhân viên bán hàng sẽ làm các vị trí liên quan đến văn phòng như xử lý số liệu, kết nối sales và các bộ phận khác, trợ lý cho các vị trí trưởng phòng…
(3) Vị trí marketing: marketing là vị trí cốt lõi rất quan trọng với doanh nghiệp có chức năng kết nối sản phẩm thương hiệu của doanh nghiệp đến người tiêu dùng, vị trí này sẽ thực hiện các công việc như nghiên cứu và phát triển sản phẩm, định giá sản phẩm, làm việc với các chuỗi cung ứng và làm việc trực tiếp các chương trình về quảng cáo, truyền thông, PR (quan hệ công chúng).
(4) Vị trí nhân sự: vị trí nhân sự thực hiện chức năng tuyển dụng, đào tạo, tính lương và các hoạt động khác liên quan đến nguồn nhân lực trong công ty.
(5) Vị trị tài chính – kế toán: vị trí tài chính – kế toán có chức năng xử lý các vấn đề về sổ sách, tài chính… và các hoạt động về thuế cho doanh nghiệp.
(6) Các vị trí quản trị: ở mỗi vị trí nêu trên đều có các vị trí quản lý, quản trị đứng đầu phòng ban tùy vào quy mô lớn nhỏ của doanh nghiệp.
Và ngành quản trị kinh doanh có thể làm được tất cả các vị trí như tôi vừa nêu ở trên (đối với các vị trí chuyên môn cao như tài chính kế toán thì các bạn học quản trị kinh doanh cần học thêm nghiệp vụ và kiến thức thêm).
Như vậy, tôi đã trả lời cho các bạn về câu hỏi học quản trị kinh doanh sau này sẽ ra làm gì? tôi tin là mỗi các bạn đã có cho mình một hướng đi riêng.
Và quan trọng là câu hỏi: ngành quản trị kinh doanh có dễ xin việc không? thì tôi xin chia sẻ với Anh/Chị là nhu cầu nhân lực của khối kinh tế đang rất lớn (đặc biệt chính là vị trí sales), tuy nhiên sẽ có một số vấn đề mà tôi xin chia sẻ với các bạn:
Đầu tiên, tuy nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế lớn nhưng với số lượng sinh viên ra trường cực kỳ đông như hiện nay (do ngành này rất nhiều trường đào tạo) thì khả năng cạnh tranh cao và dẫn đến mức thu nhập của sinh viên ra trường thấp cũng như khả năng đào thải cao.
Thứ hai, so với các ngành mang tính kỹ thuật cao như công nghệ thông tin hoặc giáo viên, bác sĩ… thì quản trị kinh doanh tổng hợp ở trường lớp chưa mang tính môn hóa cao, vì thế rất có thể các bạn sinh viên phải được trang bị chuyên môn bổ sung (ví dụ như digital marketing, nghiệp vụ kế toán, nghiệp vụ xuất nhập khẩu…) để có thể chắc suất làm được việc sau khi ra trường.
Thứ ba, kinh tế là một ngành cần những người có đầy đủ các phẩm chất (quan hệ, giao tiếp, xử lý tình huống…) nên có thể sẽ phải rèn luyện rất lâu và nghiêm túc để có thể làm việc như ý muốn, đôi khi có thể gặp tình trạng không như mong muốn khi ra trường mới đi làm.
Vì thế các bạn sinh viên cần cân nhắc kỹ khi quyết định đăng ký học ngành này. Một điều quan trọng để tránh bị thất nghiệp là cần chọn đúng chuyên ngành như tôi đề cập phía trên trong quá trình học và học chuyên cũng như tham gia thực tập chuyên về nó trước khi ra trường.
Xem thêm: Có nên học thạc sĩ quản trị kinh doanh sau khi kết thúc đại học?
6. Kết luận
Trên đây là những chia sẻ nhằm trả lời câu hỏi ngành quản trị kinh doanh có dễ xin việc không ? Qua bài viết này tôi mong muốn góp một phần trải nghiệm của mình nhằm giúp các bạn học sinh có quyết định đúng đắn khi đặt bút ghi vào hồ sơ nguyện vọng quyết định cả tương lai của cuộc đời mình.
Lưu ý: Đây là những trải nghiệm mang tính chất cá nhân, hoàn toàn không phải lời khuyên hay khuyến nghị. Các bạn sinh viên cần cân nhắc tham khảo và hãy tự đưa ra cho mình quyết định phù hợp với bản thân và gia đình.
Học ngành quản trị kinh doanh có dễ xin việc
Một lần nữa kính chúc các bạn sinh viên thành công và thăng tiến trong tương lai.
Thân ái ./.