Cách viết kế hoạch nghề nghiệp trong 3 năm tới như thế nào?

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp ngay cách gỡ rối câu hỏi về kế hoạch nghề nghiệp trong 3 năm tới mỗi khi bạn tham gia tuyển dụng.

Bạn sẽ gặp những câu hỏi có nội dung tương tự hoặc gần giống như vậy rất thường xuyên, đặc biệt là trong thời gian mới ra trường. Vì thiếu vắng kinh nghiệm cũng như trải nghiệm, những câu hỏi như vậy không khác nào một “tảng đá” đối với bạn, bởi nỗi lo nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn “thiếu tầm nhìn”, “không có mục đích” hoặc “ảo tưởng, viển vông” với mục đích của bạn. Những rắc rối đó liệu có cách nào tháo gỡ?

Cách viết kế hoạch nghề nghiệp trong 3 năm tới như thế nào?

Định hướng nghề nghiệp của bạn trong 3 năm tới sẽ như thế nào? Bạn muốn trở thành một nhân viên như thế nào, ở vị trí nào ? Đây là những câu hỏi mà anh/chị rất hay thường gặp trong các buổi phỏng vấn. Nếu câu trả lời rõ ràng, chi tiết, có sự chuẩn bị, đầu tư thì anh/chị sẽ có khả năng lọt vào “mắt xanh của các nhà tuyển dụng”. Nhưng hiện nay có nhiều anh/chị vẫn còn đang mông lung, không biết cách viết kế hoạch nghề nghiệp của bản thân trong tương lai.

Vậy làm thế nào để bản kế hoạch trong 3 năm tới trở thành một “viên ngọc sáng” trong hàng loạt nhân viên ứng tuyển. Mời các anh/chị cùng tham khảo qua các thông tin dưới về cách viết kế hoạch nghề nghiệp trong 3 năm tới nhé. 

1. Câu hỏi “Kế hoạch nghề nghiệp trong 3 năm tới” là gì?

Đây là một câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường hỏi ứng viên, hoặc cũng có thể là câu hỏi bạn tự nghĩ ra trong đầu khi đang trăn trở về tương lai của chính mình, hoặc cũng có thể là một nội dung trên CV (sơ yếu lý lịch) của bạn. Tuy nhiên, dù xuất hiện ở đâu thì nó cũng sẽ làm bạn phải mất một thời gian rất lâu để có câu trả lời, chứ không phải là trong phút chốc ngay trong lúc phỏng vấn.

Thông qua câu hỏi này, những thứ như sự quan tâm của bạn với công ty, định hướng tương lai, công việc/môi trường làm việc mơ ước, tinh thần cầu thị, thái độ của bạn với tương lai và công việc đều được thể hiện. Qua đó, nhà tuyển dụng có thể đánh giá xem bạn phù hợp với môi trường công việc này không và cân nhắc tuyển dụng. Cho dù đó là công ty bạn luôn hằng mơ ước, nhưng nếu qua câu trả lời của bạn cho câu hỏi này, HR cho rằng bạn không phù hợp với công việc, bạn cũng sẽ phải đối diện với nguy cơ bị từ chối.

>>Tham khảo thêm: Ngành quản trị kinh doanh có dễ xin việc không ? kiến thức tổng quan

2. Liệu nó có thật sự đáng sợ như bạn nghĩ?

Câu trả lời có thể là: Có hoặc Không, tùy thuộc vào hoàn cảnh, tình trạng và quan niệm của bạn. Nếu bạn đã từng có một vài kinh nghiệm thực chiến trước đó, bạn sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, với những người chưa từng có kinh nghiệm hay thậm chí là “miễn cưỡng”, họ sẽ không thể hình dung ra họ muốn gì, họ đang cần gì và họ sẽ trở thành ai, chỉ đơn giản là vì họ không biết được trên con đường họ đi sẽ có những mốc gì, những đặc trưng thế nào.

Chẳng hạn, bạn muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực marketing. Vậy lộ trình của bạn có thể là marketing intern (thực tập) – junior – senior – tea leader – marketing manager. Tuy nhiên, nếu chưa từng thực tập hoặc ít nhất nếu bạn chưa có đủ kiến thức, bạn sẽ không thể biết công ty mà bạn ứng tuyển có những vị trí nào, vai trò nào và do đó, những câu trả lời của bạn sẽ thành ra không đúng trọng điểm, không mang lại giá trị.

Không một nhà tuyển dụng nào có thể đánh giá cao một nhân sự mà thậm chí họ còn chẳng biết mình đang ở đâu. Cũng không nhà tuyển dụng nào muốn mất thời gian, chi phí để đào tạo nhân sự mới hoàn toàn mà thay vào đó – với bản chất của tư bản – họ sẽ đánh giá cao những người đã từng có thời gian, kinh nghiệm làm việc, cống hiến.

>>Tìm hiểu thêm: Ngành Quản trị kinh doanh có dễ xin việc không? Kiến thức tổng quan

3. 04 bước lập kế hoạch trong 3 năm tới

Có nhiều cách để bạn đối phó với kiểu câu hỏi như vậy. Tuy nhiên, khi bạn đọc bài viết này, tức là bạn đã có lường trước đến việc nhà tuyển dụng sẽ hỏi rồi phải không? Đừng quá lo lắng là yếu tố tiên quyết. Một khi đã có sự tiên liệu thì mọi chuyện sẽ được giải quyết dễ dàng cả thôi.

3.1 Tìm hiểu về lộ trình thăng tiến nghề nghiệp

Chẳng có gì tốt hơn là tự tạo lợi thế cho mình. Việc tìm hiểu về các chức danh, vị trí, cấp bậc là điều vô cùng cần thiết cho bất kỳ ai muốn trở thành một phần của tập thể, một người hành nghề thành thạo. Tuy nhiên, nên lưu ý  đến sự khác biệt giữa các công ty do tính chất của nó, không phải các công ty nào cũng có cấp bậc thăng tiến giống nhau, cũng như không phải tên gọi của chúng lúc nào cũng tương tự – mặc dù là cùng một vị trí.

3.2 Có gì “show” nấy trên tinh thần cầu thị, học hỏi

Bạn có thể nói rằng bạn hoàn toàn chưa nghĩ về vấn đề này, tuy nhiên, hãy thể hiện tinh thần cầu thị của bạn bằng những câu kiểu “Em sẽ cố gắng tiếp thu và phát huy bản thân nhiều nhất có thể để cống hiến cho tập thể. Khi đó, với những đánh giá từ quý anh/chị, em mong rằng có thể nhận được sự tín nhiệm từ công ty và được giao những trọng trách lớn hơn”. Bạn cũng có thể trả lời chung chung kiểu “em muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này”, hoặc “em muốn trở nên thành thạo và trở thành một nhân viên xuất sắc cho công ty”. Nếu nhà tuyển dụng đánh giá cao tinh thần của bạn, họ sẽ bỏ qua các yếu tố chuyên môn trong câu hỏi này và tạm chấp nhận.

3.3 Nhấn mạnh vào tinh thần gắn bó của bạn

Nếu hiểu được nhà tuyển dụng lo lắng điều gì, bạn có thể dễ dàng “tấn công” vào đó. Chẳng hạn nếu nhà tuyển dụng không muốn phải “đầu tư” cho một nhân sự mà không rõ sau 3 năm mình sẽ đi đâu về đâu vì lo lắng lãng phí, bạn có thể dễ dàng nói rằng: “Em muốn trở thành một nhân sự nhận được sự tín nhiệm từ công ty và trở thành nòng cốt của đội ngũ trong 3 năm tới”.

3.4 Nhấn mạnh vào yếu tố tình cảm

Bạn có thể trả lời rằng tuy thiếu hụt về kinh nghiệm thực chiến, nhưng chuyên môn vững vàng của bạn có thể giúp bạn học hỏi thật nhiều và cống hiến càng lâu, bởi nếu được nhận thì đây (công ty) chính là nơi để bạn tích lũy kinh nghiệm và ghi nhận sự cống hiến của bạn trong những ngày đầu. Do đó bạn sẽ cố gắng hết mình để trở thành một nhân sự gắn bó với công ty lâu dài. Mặc dù không hoàn toàn là câu trả lời hay, nhưng có thể khiến HR “mềm lòng” với quyết tâm của bạn.

Trên đây là những thông tin mà chúng tôi có được giúp bạn giải quyết câu hỏi về kế hoạch nghề nghiệp trong 3 năm tới. Nếu còn vấn đề gì khiến bạn trăn trở không ngừng về tương lai hay dự định của mình, hãy cho chúng tôi biết vì biết đâu chúng tôi có thể “gỡ rối” giúp bạn.

>>Xem thêm: Học ngành Marketing có dễ xin việc không? Đây là câu trả lời